Đề xuất quy định quyền, nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức trong tình trạng khẩn cấp

(Chinhphu.vn) - Tại dự thảo Luật Tình trạng khẩn cấp, Bộ Quốc phòng đề xuất quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục ban bố, công bố tình trạng khẩn cấp cũng như quyền, nghĩa vụ của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong tình trạng khẩn cấp.

Thẩm quyền, trình tự, thủ tục ban bố, công bố tình trạng khẩn cấp

Theo dự thảo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc ở từng địa phương theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ.

Căn cứ vào Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước công bố tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc ở từng địa phương.

Trong trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội không thể họp được, Chủ tịch nước công bố tình trạng khẩn cấp trong cả nước hoặc ở từng địa phương theo đề nghị của Thủ tướng Chính phủ.

Nghị quyết ban bố của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc Lệnh công bố của Chủ tịch nước về tình trạng khẩn cấp phải được công bố ngay trên các phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết công khai để người dân biết, thực hiện.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đề xuất Thủ tướng Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban bố tình trạng khẩn cấp về quốc phòng; trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội không thể họp ngay được thì Thủ tướng Chính phủ đề nghị Chủ tịch nước ra Lệnh công bố tình trạng khẩn cấp.

Bộ trưởng Bộ Công an đề xuất Thủ tướng Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban bố tình trạng khẩn cấp về an ninh, trật tự, an toàn xã hội; trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội không thể họp ngay được thì Thủ tướng Chính phủ đề nghị Chủ tịch nước ra Lệnh công bố tình trạng khẩn cấp.

Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước ban bố, công bố tình trạng khẩn cấp do thảm họa lớn; trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội không họp ngay được thì Thủ tướng Chính phủ đề nghị Chủ tịch nước ra Lệnh công bố tình trạng khẩn cấp.

Bộ trưởng Bộ Y tế đề xuất Thủ tướng Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban bố tình trạng khẩn cấp khi có dịch bệnh nguy hiểm lây lan trên quy mô rộng; trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội không thể họp ngay được thì Thủ tướng Chính phủ đề nghị Chủ tịch nước ra Lệnh công bố tình trạng khẩn cấp.

Nội dung của Nghị quyết hoặc Lệnh ban bố, công bố tình trạng khẩn cấp

Theo dự thảo, Nghị quyết hoặc Lệnh ban bố, công bố tình trạng khẩn cấp gồm những nội dung sau:

- Lý do ban bố tình trạng khẩn cấp.

- Phạm vi địa bàn được đặt trong tình trạng khẩn cấp.

- Thời điểm áp dụng tình trạng khẩn cấp.

- Thời hạn áp dụng các biện pháp theo quy định.

- Thẩm quyền tổ chức thi hành Nghị quyết hoặc Lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp.

Quyền và nghĩa vụ của cá nhân

Theo dự thảo, cá nhân có các quyền sau đây trong tình trạng khẩn cấp: Tiếp cận thông tin về tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật; được cứu trợ, hỗ trợ khi bị thiệt hại trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật; được hưởng tiền công lao động khi tham gia ứng phó trong tình trạng khẩn cấp theo quyết định huy động của người có thẩm quyền; được hoàn trả trang thiết bị, tài sản đã huy động ngay sau khi kết thúc việc ứng phó với tình trạng khẩn cấp; trường hợp trang thiết bị, tài sản đã huy động bị thiệt hại hoặc tiêu hao thì được bồi thường, thanh toán theo quy định của pháp luật. Dự thảo nêu rõ, khi tham gia hoạt động ứng phó với tình trạng khẩn cấp nếu bị tổn hại về danh dự, nhân phẩm thì được khôi phục; nếu bị thương tích, tổn hại sức khỏe, tính mạng thì được hưởng chế độ, chính sách theo quy định pháp luật.

Bên cạnh đó, cá nhân có các nghĩa vụ sau đây trong tình trạng khẩn cấp: Thực hiện các biện pháp ứng phó với tình trạng khẩn cấp theo kế hoạch ứng phó tình trạng khẩn cấp của địa phương; tham gia hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện, diễn tập ứng phó với tình trạng khẩn cấp khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền; tham gia hoạt động ứng phó khi được huy động; chuẩn bị sẵn sàng vật tư, phương tiện theo khả năng để đảm bảo an toàn trước tình trạng khẩn cấp.

Bên cạnh đó, cá nhân có nghĩa vụ chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả tình trạng khẩn cấp nhằm bảo đảm an toàn cho bản thân và gia đình khi tình trạng khẩn cấp xảy ra; tham gia hỗ trợ cộng đồng; giúp đỡ người bị thiệt hại do tình trạng khẩn cấp tại địa phương; thực hiện vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh trong khu vực sinh sống và làm việc; chấp hành hướng dẫn, yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền về sơ tán người, phương tiện ra, vào khu vực nguy hiểm; chấp hành quyết định huy động nhân lực, trang thiết bị, tài sản để phục vụ hoạt động ứng phó tình trạng khẩn cấp của người có thẩm quyền; thông báo, cung cấp thông tin kịp thời cho cơ quan có thẩm quyền về diễn biến, thiệt hại do tình trạng khẩn cấp gây ra khi có điều kiện thực hiện.Tham khảo thêm

WHO ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe vì đậu mùa khỉWHO ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe vì đậu mùa khỉ
Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Đề xuất xây dựng dự án Luật Tình trạng khẩn cấpĐề xuất xây dựng dự án Luật Tình trạng khẩn cấp

Link nội dung: https://nhipsongsaigon.net/de-xuat-quy-dinh-quyen-nghia-vu-cua-ca-nhan-to-chuc-trong-tinh-trang-khan-cap-a114244.html