Tỉnh Lạng Sơn cần đi đầu trong xây dựng cửa khẩu thông minh

(Chinhphu.vn) - Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 536/TB-VPCP thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong chuyến công tác tại tỉnh Lạng Sơn và tỉnh Cao Bằng.

Tỉnh Lạng Sơn cần đi đầu trong xây dựng cửa khẩu thông minh- Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo: Tỉnh Lạng Sơn cần đi đầu trong xây dựng cửa khẩu thông minh

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các cấp uỷ Đảng, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể của tỉnh Lạng Sơn, huyện Văn Lãng, thị trấn Na Sầm và khu 8 tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm: Tiếp tục động viên Nhân dân tăng cường, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội của địa phương với tinh thần "Sức mạnh bắt nguồn từ Nhân dân, Nhân dân làm nên lịch sử".

Tổ chức tốt các phong trào thi đua yêu nước; khích lệ, động viên những điển hình tiên tiến, những tập thể, cá nhân tiêu biểu, tạo đà thi đua mới thực hiện thành công các nhiệm vụ được giao. Tiếp tục vận động, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ cộng đồng để phát huy tinh thần tương thân, tương ái, chia sẻ, chăm lo, giúp đỡ cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt, người dân bị ảnh hưởng thiên tai, bão số 3.

Thực hiện tốt công tác xóa đói, giảm nghèo, phong trào thi đua xóa nhà tạm, nhà dột nát, bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn trong năm 2025 và phong trào thi đua xây dựng 3.000 km đường cao tốc; tiếp tục ủng hộ Dự án tuyến cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng) để sớm hoàn thành công trình theo kế hoạch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, vùng và cả nước.

Nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật tại khu vực biên giới, cửa khẩu

Là địa phương "phên dậu" phía Bắc của Tổ quốc, tỉnh Lạng Sơn cần chú trọng làm tốt công tác bảo đảm quốc phòng an ninh, mỗi người dân là một cột mốc bảo vệ biên giới, chủ quyền; đẩy mạnh công tác đối ngoại, thúc đẩy giao thương, nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật tại khu vực biên giới, cửa khẩu, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển, góp phần củng cố tình hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc. Chú trọng nâng cao ý thức cảnh giác của Nhân dân trước âm mưu chống phá, lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo để kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc của các thế lực thù địch.

Tỉnh Lạng Sơn cần đi đầu trong xây dựng cửa khẩu thông minh với Trung Quốc, từ đó nhân rộng sang các tỉnh biên giới khác; khắc phục điểm nghẽn giao thông để phát triển giao thông liên tỉnh, liên vùng, kết nối quốc tế; đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số, công dân số theo chủ trương của Đảng, Nhà nước, chương trình hành động của Chính phủ và theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cấp, các ngành, các địa phương.

Thủ tướng Chính phủ giao Tập đoàn Viettel, Tập đoàn EVN nghiên cứu các giải pháp để khắc phục các vùng lõm về sóng viễn thông và lưới điện (nếu có) để tạo điều kiện thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Đầu tư xây dựng các tuyến cao tốc trên địa bàn 02 tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng

Kiểm tra thực tế Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng), Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng theo phương thức đối tác công tư (PPP), Thủ tướng Chính phủ biểu dương 02 tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn đã rất quyết tâm, chỉ đạo quyết liệt trong quá trình triển khai thực hiện dự án với mô hình Bí thư Tỉnh ủy làm trưởng Ban chỉ đạo dự án.

Thủ tướng Chính phủ giao Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc chủ trì cùng với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Chủ tịch Ủy ban nhân dân 02 tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn làm việc với 02 ngân hàng VP Bank, TP Bank và Nhà đầu tư trong tháng 11/2024 để giải quyết các vướng mắc trong việc cung cấp tín dụng cho 02 Dự án nêu trên, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền trước ngày 10/12/2024.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị các Bộ, ngành và địa phương chỉ đạo với tinh thần "Chỉ bàn làm không bàn lùi", "Cấp ủy lãnh đạo - Chính quyền vào cuộc - Nhân dân và doanh nghiệp đóng góp - Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị xã hội cùng tham gia", bảo đảm theo đúng thẩm quyền, không đùn đẩy, né tránh với mục tiêu cuối năm 2025 thông xe toàn tuyến để nối thông toàn bộ tuyến đường bộ cao tốc từ Cao Bằng đến Cà Mau.

Đối với khó khăn, vướng mắc trong quá trình khai thác của Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc Giang - Thành phố Lạng Sơn đoạn Km 45 + 100 - Km 108 + 500, kết hợp tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 đoạn Km 1 + 800 - Km 106 + 500, tỉnh Bắc Giang và tỉnh Lạng Sơn theo hình thức Hợp đồng BO, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu và báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội để xem xét việc hỗ trợ phù hợp từ ngân sách nhà nước cho các Dự án thực hiện theo hình thức Hợp đồng BOT đang khai thác trong quá trình sửa đổi Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Về việc đầu tư giai đoạn 2 của các Dự án tuyến cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng) và Dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng theo phương thức đối tác công tư (PPP), Thủ tướng Chính phủ thống nhất về nguyên tắc đầu tư giai đoạn 2 Dự án tuyến cao tốc Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng) với quy mô hoàn chỉnh 04 làn xe, theo hình thức PPP. Sau khi Luật PPP (sửa đổi) được ban hành; vì đây là vùng khó khăn nên đồng ý về nguyên tắc 02 Dự án nêu trên được áp dụng cơ chế 70 - 30 (70% vốn nhà nước - 30% vốn Nhà đầu tư huy động) như đề nghị của Ủy ban nhân dân 02 tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn. Trong quá trình thực hiện nếu vướng mắc về quy định của Luật, đề nghị Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội 02 tỉnh có văn bản báo cáo Chủ tịch Quốc hội, đồng gửi đề xuất Thủ tướng Chính phủ để kịp thời tháo gỡ khó khăn theo thẩm quyền.

Mở rộng quy mô đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa lên 14 làn xe

Về việc triển khai xây dựng cửa khẩu thông minh tại tỉnh Lạng Sơn theo Quyết định số 865/QĐ-TTg ngày 17/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương mở rộng quy mô đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1119-1120 lên 14 làn xe (thay vì 8 làn xe) ngay trong giai đoạn 1 của Đề án để đồng bộ với cơ sở hạ tầng và quy hoạch với phía Trung Quốc. Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn tiếp tục triển khai khẩn trương, quyết liệt các nhiệm vụ được giao theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 865/QĐ-TTg; bảo đảm đúng quy định, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực.

Về nguồn vốn thực hiện 03 dự án (giai đoạn 1): Trên cơ sở đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, các cơ quan liên quan và Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn xem xét, đề xuất Thủ tướng Chính phủ bổ sung 200 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2024 cho tỉnh Lạng Sơn thực hiện các dự án, bảo đảm thực hiện đúng quy định pháp luật, không để xảy ra tham nhũng, tiêu cực.

Đối vốn còn lại (580 tỷ đồng), căn cứ nhu cầu giải ngân của các dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn và các cơ quan liên quan xem xét, đề xuất nguồn vốn phù hợp theo quy định để hỗ trợ Tỉnh thực hiện dự án theo tiến độ, bảo đảm hoàn thành theo đúng kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Nhanh chóng triển khai để Dự án công viên logistics Viettel tại Lạng Sơn sớm đi vào hoạt động

Sau khi thăm và nghe báo cáo tại Dự án công viên logistics Viettel tại tỉnh Lạng Sơn, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo: Dự án công viên logistics Viettel tại Lạng Sơn được quy hoạch như một cảng cạn với nhiều công trình hạ tầng mới (như khu làm việc của Hải quan Việt Nam - Trung Quốc, khu giao nhận, sang tải hàng hoá cho xe Trung Quốc, khu kiểm hoá để 02 nước công nhận kết quả kiểm định, kiểm dịch của nhau…); từ đó giúp rút ngắn thời gian thông quan và giảm áp lực thông quan hàng hóa tại cửa khẩu Hữu Nghị và Tân Thanh. Do vậy, Tập đoàn Viettel cần nhanh chóng triển khai để Dự án sớm đi vào hoạt động. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn chủ trì làm việc với các bộ, ban, ngành, cơ quan liên quan để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho Tập đoàn Viettel, đảm bảo Dự án đi vào hoạt động trong tháng 12/2024.

Theo kế hoạch, Dự án công viên logistics Viettel sẽ triển khai ga đường sắt để phục vụ vận tải liên vận giữa ga Đồng Đăng và ga Bằng Tường (Trung Quốc). Thủ tướng Chính phủ giao Tập đoàn Viettel chủ trì, chủ động phối hợp với bộ, ngành và tỉnh Lạng Sơn nghiên cứu phương án triển khai ga đường sắt tại Dự án công viên logistics Viettel theo quy định của pháp luật; giao tỉnh Lạng Sơn và các bộ, cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền hỗ trợ Viettel giải phóng mặt bằng và tạo thuận lợi cho Dự án; kịp thời báo cáo và đề xuất, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ đối với những vấn đề vượt thẩm quyền.

Tuệ Văn

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Thủ tướng dự Ngày hội Đại đoàn kết tại tỉnh Lạng SơnThủ tướng dự Ngày hội Đại đoàn kết tại tỉnh Lạng Sơn
Tham khảo thêm
Thủ tướng: Lạng Sơn cần đi đầu trong triển khai cửa khẩu thông minhThủ tướng: Lạng Sơn cần đi đầu trong triển khai cửa khẩu thông minh

 


Link nội dung: https://nhipsongsaigon.net/tinh-lang-son-can-di-dau-trong-xay-dung-cua-khau-thong-minh-a114206.html