Nâng cao nhận thức về kháng thuốc ở tất cả các đối tượng
Với sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và các đối tác quốc tế cùng phối hợp, Bộ Y tế tổ chức Tuần lễ Nâng cao nhận thức về kháng thuốc (AMR) từ ngày 18-24/11.
Năm nay, tổ chức WHO đưa ra chủ đề "Giáo dục, vận động, hành động ngay", nhằm mục đích đẩy nhanh các nỗ lực nâng cao nhận thức và hành động đối phó với mối đe dọa ngày càng tăng của kháng thuốc.
Theo Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, kết quả giám sát kháng thuốc gần đây cho thấy, tỷ lệ kháng kháng sinh cao đã được ghi nhận ở các vi khuẩn thông thường, đặc biệt trong bệnh viện. Việc sử dụng sai mục đích và lạm dụng kháng sinh trong y tế và nông nghiệp là nguyên nhân chính gây ra kháng thuốc.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, tuần lễ thế giới nâng cao nhận thức về kháng thuốc chính là chiến dịch toàn cầu nhằm thúc đẩy hiểu biết và hành động về kháng thuốc. Trong đó, giáo dục là nền tảng trong cuộc chiến chống lại kháng thuốc.
Bộ Y tế cam kết nâng cao nhận thức trên tất cả các lĩnh vực—nhân viên y tế, các nhà hoạch định chính sách, các bên liên quan và cộng đồng. Theo đó, Bộ Y tế sẽ triển khai các chiến dịch nâng cao nhận thức của người dân về nguy cơ của việc tự ý dùng thuốc, tầm quan trọng của việc hoàn thành liệu trình điều trị được kê đơn...
Đối với các nhà hoạch định chính sách và ngành công nghiệp, nông nghiệp, môi trường, Bộ Y tế tập trung vào các nền tảng chia sẻ kiến thức để đảm bảo mọi lĩnh vực đều hiểu được tác động kinh tế và xã hội của kháng thuốc. Đây là nền tảng để tạo ra những thay đổi hành vi bền vững và phát triển các thực hành có trách nhiệm trong việc sử dụng kháng sinh…
Bộ Y tế kêu gọi toàn bộ ngành y tế tại tất cả các tỉnh, thành triển khai thực hiện Chiến lược Quốc gia và kế hoạch hành động phòng, chống kháng thuốc trong y tế nhằm bảo vệ sức khỏe của người dân hiện tại và sức khỏe của các thế hệ tương lai, bảo vệ nguồn kháng sinh quý giá tại Việt Nam và trên toàn thế giới.
Tập trung vào giáo dục, vận động chính sách và hành động ngay
Bà Erin Kenny, Trưởng nhóm Chăm sóc sức khỏe toàn dân (thuộc tổ chức WHO tại Việt Nam) khẳng định, chúng tôi đánh giá cao sự lãnh đạo của Chính phủ Việt Nam trong việc thông qua Chiến lược quốc gia, kế hoạch hành động cụ thể nhằm giải quyết vấn đề phức tạp này. Kháng thuốc là một trong những mối đe dọa hàng đầu đối với sức khỏe và phát triển trên toàn cầu, cũng như tại Việt Nam và là ưu tiên trong hỗ trợ của WHO đối với Việt Nam.
Các Bộ, ngành cần tập trung vào giáo dục, vận động chính sách và hành động để củng cố việc thực hiện đạt được các mục tiêu trong Chiến lược và kế hoạch hành động.
BS Rémi Nono Womdim, đại diện tổ chức FAO cũng bày tỏ sự trân trọng hợp tác hiệu quả giữa Chính phủ Việt Nam và FAO trong thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia trong kiểm soát kháng thuốc ở nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 phù hợp với Kế hoạch hành động của FAO về kháng thuốc 2021-2025.
"Cả hai kế hoạch đều nhất quán với mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể, tập trung các giải pháp vào nhận thức, giám sát, thực hành tốt, sử dụng thuốc kháng vi sinh vật có trách nhiệm và quản trị. Không còn thời gian để lãng phí. Chúng ta hãy tiếp tục cùng nhau làm việc để giáo dục, vận động và hành động ngay bây giờ", BS Rémi Nono Womdim nhấn mạnh.
Các chuyên gia y tế cũng khẳng định, trong ngành y tế, kháng thuốc đe dọa nhiều thành tựu của y học hiện đại. Nó khiến các bệnh nhiễm trùng khó điều trị hơn và làm cho các thủ thuật và điều trị y tế khác – như phẫu thuật, sinh mổ và hóa trị liệu ung thư – trở nên nguy cơ hơn.
Kháng thuốc cũng tạo gánh nặng lớn về chi phí cho cả hệ thống y tế và nền kinh tế, làm tăng nhu cầu chăm sóc tích cực và tốn kém hơn, ảnh hưởng đến năng suất lao động của bệnh nhân hoặc người chăm sóc thông qua thời gian nằm viện kéo dài và gây hại năng suất nông nghiệp.
Hiền Minh
Link nội dung: https://nhipsongsaigon.net/khang-thuoc-dang-de-doa-nhieu-thanh-tuu-cua-y-hoc-hien-dai-a113521.html