Một nhà máy điện hạt nhân ở Mỹ. (Nguồn: Eenews.net) |
Luật trên có các miễn trừ cho phép tiếp tục nhập khẩu uranium làm giàu từ Nga trong trường hợp có mối lo ngại về thiếu hụt nguồn cung. Nhưng nền kinh tế lớn nhất thế giới có thiếu nguồn cung và sẽ thoát khỏi tình trạng này bằng cách nào?
Động thái đáp trả
Theo quyết định của Nga, các giao dịch xuất khẩu uranium làm giàu sang Mỹ hoặc xuất khẩu theo các hợp đồng thương mại quốc tế với các pháp nhân trong phạm vi quyền tài phán của Washington chỉ được chấp thuận theo giấy phép cấp 1 lần từ Cơ quan Liên bang về kiểm tra kỹ thuật và xuất khẩu.
Tin liên quan |
Tập đoàn năng lượng nguyên tử Nga từ chối bán uranium cho Mỹ, Washington đã 'đi' nhanh hơn |
Quyết định trên được đưa ra theo chỉ thị của Tổng thống Putin nhằm đáp lại lệnh cấm của Mỹ đối với các sản phẩm uranium của Nga.
Hồi giữa tháng 9/2024, ông Putin đã đề nghị chính phủ “nên cân nhắc hạn chế xuất khẩu uranium, titan và niken để trả đũa các lệnh trừng phạt của phương Tây”, đồng thời, đề cập đến việc một số quốc gia đang dự trữ kho nguyên liệu thô chiến lược.
Hồi tháng 5/2024, Tổng thống Joe Biden đã ký luật cấm nhập khẩu uranium từ Nga cho đến năm 2040, nhưng kèm điều khoản quy định đến tháng 1/2028, Bộ Năng lượng Mỹ thống nhất với Ngoại trưởng và Bộ trưởng Tài chính có thể cấp lại giấy phép nhập khẩu trong trường hợp lo ngại về nguồn cung.
Trên thực tế, nền kinh tế lớn nhất thế giới không tự sản xuất uranium làm giàu.
Sau sự sụp đổ của Liên Xô, Mỹ lệ thuộc vào nhiên liệu chiến lược từ xứ bạch dương. Nhiều nhà máy điện hạt nhân của Mỹ lâm vào cảnh nợ nần và hầu như không thể duy trì hoạt động.
Đất nước của Tổng thống Biden có khoảng một trăm lò phản ứng hạt nhân, tiêu thụ 25.000 tấn uranium làm giàu mỗi năm. Nga, Kazakhstan và Uzbekistan cung cấp khoảng một nửa trong số đó.
Chính quyền Mỹ đã quyết định đầu tư khoảng 3 tỷ USD vào việc phát triển cơ sở hạ tầng để làm giàu uranium, nhưng việc này sẽ mất nhiều năm.
Hiện tại, nền kinh tế hàng đầu thế giới chỉ có một cơ sở làm giàu thương mại tại New Mexico do Tập đoàn Urenco của Anh, Hà Lan và Đức sở hữu.
Trước tình hình đó, ngành này đã đẩy mạnh mua hàng.
Do đó, tổng giá trị uranium mà Washington mua từ Moscow trong năm 2023 đã tăng 43%, đạt kỷ lục mới 1,2 tỷ USD.
Mỹđã tuyên bố, hầu hết các nhà máy điện hạt nhân đều được cung cấp đủ nhiên liệu cho những năm tới. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích độc lập, lượng dự trữ này chỉ đủ cho 1-1,5 năm.
Hãng tin Bloomberg nhận định: “Quyết định của Nga nhắm vào ngành công nghiệp dễ bị tổn thương của Mỹ. Nga kiểm soát gần một nửa công suất sản xuất nhiên liệu hạt nhân trên thế giới.
Năm ngoái, 25% lượng uranium làm giàu sử dụng ở Washington có nguồn gốc từ Moscow. Điều này tạo ra rủi ro cho các nhà máy điện hạt nhân, mà năng lượng hạt nhân chiếm 1/5 nguồn cung điện năng của Mỹ”.
Nguy cơ giá uranium tăng cao
Đến nay, chưa có gì xảy ra với ngành năng lượng hạt nhân của Mỹ, ngoại trừ nguy cơ giá uranium tăng cao trong những tháng tới và đâycũng chính là vấn đề.
Ông Gleb Styazhkin, nhà phân tích đầu tư tại Kas Capital cho biết, giá uranium giao tương lai (UXXc2) đã vượt mốc 80 USD, so với mức dao động trong khoảng 20 - 40 USD từ năm 2014 đến năm 2021.
Chuyên gia công nghiệp độc lập Leonid Khazanov cho biết thêm, đây mới chỉ là khởi đầu của những rắc rối, vì Nga dẫn đầu thị trường nhiên liệu hạt nhân toàn cầu.
Theo ông Styazhkin, trong lệnh cấm hồi tháng 5, nền kinh tế lớn nhất thế giới có lý do để đặt ra thời hạn đến năm 2028, bởi trong thời gian này, Mỹ có ý định xây dựng các cơ sở sản xuất uranium làm giàu.
Dù vậy, hiện tại, do các lệnh trừng phạt của Nga, đất nước của Tổng thống Putin vẫn chưa thể tự sản xuất và cũng mất đi nguồn cung chính. Lựa chọn duy nhất là tìm kiếm nguồn cung uranium từ các nước khác, nhưng việc này cũng rất khó khăn.
Canada, Australia và Kazakhstan có tiềm năng thay thế nguồn cung của Moscow, nhưng Washington cần phải ký kết những hợp đồng mới và có những rủi ro địa chính trị đe dọa sự ổn định trong chuỗi cung ứng này.
Mỹ cũng không nên phụ thuộc quá nhiều vào châu Âu.
Tờ Daily Wrap nhận định: "Các lệnh trừng phạt của Nga cũng sẽ tác động đến các quốc gia khác, buộc họ phải xem xét lại chiến lược năng lượng của mình". |
Nhập khẩu năm ngoái từ Anh đã tăng 28%, nhập từ Pháp trị giá gần 320 triệu USD (so với mức chỉ 2 triệu USD năm 2022). Tuy nhiên, theo Cộng đồng Năng lượng nguyên tử châu Âu (Euroatom), bản thân Liên minh chuâ Âu (EU) cũng nhập khẩu 97% uranium từ Kazakhstan, Niger và Canada.
Rủ ro nguồn cung
Theo ông Jonathan Hinze, Chủ tịch Công ty phân tích và thông tin thị trường nhiên liệu hạt nhân UxC, hậu quả sẽ xuất hiện sớm nhất là vào năm 2025.
Với hạn chế này, một số nhà vận hành lò phản ứng có thể gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nhà cung cấp thay thế.
Bình luận trên tờ The Hill, hai nhà nghiên cứu Matt Bowen và Paul Dabbar tại Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu Đại học Columbia cho rằng, các lò phản ứng hạt nhân của Mỹ khó có thể hoạt động đầy đủ nếu thiếu nguồn nhiên liệu từ xứ bạch dương, đồng thời giá điện sẽ tăng cao hơn mức lạm phát hiện nay.
Trong khi đó, tờ Daily Wrap nhận định, các lệnh trừng phạt của Nga cũng sẽ tác động đến các quốc gia khác, buộc họ phải xem xét lại chiến lược năng lượng của mình.
Trong khi đó, Moscow sẽ lại dễ dàng chuyển hướng dòng xuất khẩu sang các nước châu Á và Trung Đông, nơi nhu cầu về nhiên liệu hạt nhân tiếp tục tăng.
Nga là nước sản xuất uranium lớn thứ sáu thế giới và kiểm soát khoảng 44% công suất làm giàu uranium toàn cầu. Năm 2023, hai nển kinh tế lớn nhất thế giới đứng đầu danh sách các nước nhập khẩu uranium của xứ bạch dương, tiếp theo là Hàn Quốc và Pháp.
Lượng nhập khẩu vào Washington từ Moscow tính đến tháng 7/2024 là 313.050 kg, giảm 30% so với năm ngoái.
Không rõ liệu nền kinh tế lớn nhất thế giới có nhập khẩu thêm bất kỳ lượng uranium nào từ Moscow sau khi lệnh cấm của Mỹ có hiệu lực vào tháng 8 hay không, song lệnh cấm của Nga sẽ gây ra rủi ro về nguồn cung cho các nhà máy điện hạt nhân của Mỹ.