Điểm đến lý tưởng cho những người yêu di sản, nghệ thuật và sáng tạo

(Chinhphu.vn) - Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 với nhiều hoạt động, sự kiện sáng tạo đã và đang đem đến những trải nghiệm hấp dẫn, là điểm đến lý tưởng cho những người yêu di sản, nghệ thuật và sáng tạo; qua đó cũng từng bước định hình một hình thức tổ chức lễ hội đặc sắc, bài bản cho Thủ đô.

Điểm đến lý tưởng cho những người yêu di sản, nghệ thuật và sáng tạo- Ảnh 1.

Tòa nhà Bắc Bộ Phủ-lần đầu mở cửa đón khách thăm quan trong thời gian diễn ra Lễ hội. Ảnh: VGP/Diệu Anh

Với quy mô lớn, lần đầu tiên được tổ chức thí điểm hình thành dọc theo 7 công trình di sản lịch sử tiêu biểu của Thủ đô, Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 là một giải pháp kích hoạt tiềm năng sáng tạo trong cộng đồng.

Lễ hội tập trung vào ba trụ cột: Thiết kế - Cộng đồng - Sáng tạo. Khu vực diễn ra Lễ hội là Quảng trường Cách mạng tháng Tám, nơi kết nối trục "Tinh hoa di sản" phố Lý Thái Tổ - Lê Thánh Tông; trục "Kinh tế sáng tạo" dốc Bác Cổ - phố Tràng Tiền gồm các công trình kiến trúc nổi bật như: Cung Thiếu nhi, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Đại học Khoa học Tự nhiên và các không gian văn hóa: Hồ Hoàn Kiếm, 5 vườn hoa: Lý Thái Tổ, Diên Hồng, Cổ Tân, 19/8, Tao Đàn.

Điểm đến lý tưởng cho những người yêu di sản, nghệ thuật và sáng tạo- Ảnh 2.

Người dân háo hức khám phá không gian kiến trúc đầy hoài niệm quá khứ tại Bắc Bộ Phủ. Ảnh: VGP/Diệu Anh

Nhiều di sản lần đầu mở cửa đón du khách

Ngay ngày đầu lễ hội, các không gian sáng tạo, trưng bày tại Trường Đại học Tổng hợp cũ (nay là Đại học Khoa học Tự nhiên-Đại học Quốc gia Hà Nội) và Cung Thiếu nhi… đã thu hút đông đảo người dân, đặc biệt là giới trẻ. Cụm tòa nhà Đại học Tổng hợp cũ trở thành điểm đến lý tưởng cho những người yêu di sản, nghệ thuật và sáng tạo. Người dân xếp hàng dài ở khu vực hành lang để chờ đến lượt vào chiêm ngưỡng các trưng bày và vẻ đẹp kiến trúc của công trình này.

Điểm đến lý tưởng cho những người yêu di sản, nghệ thuật và sáng tạo- Ảnh 3.

Trường Đại học Tổng hợp cũ (nay là Đại học Khoa học Tự nhiên-Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: VGP/Diệu Anh

Được xây dựng từ năm 1926 và chính thức trở thành Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1956, tòa nhà cổ kính này vẫn giữ nguyên nét kiến trúc Đông Dương, với thiết kế mái vòm cao, sảnh lát đá và hoa sắt đặc trưng. Không chỉ mang ý nghĩa lịch sử, đây còn là nơi đào tạo nên nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu hàng đầu Việt Nam.

Đưa hai con nhỏ đi chơi dịp cuối tuần, chị Bùi Thu Thảo (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: "Qua phương tiện truyền thông, tôi được biết Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 diễn ra từ ngày 9/11, chính vì vậy, tôi đã sắp xếp công việc để dành một ngày đưa các con đi thăm quan, chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc nổi tiếng của Thủ đô. Mặc dù sống tại Hà Nội nhưng đây là lần đầu tiên tôi được tham quan Trường Đại học Tổng hợp cũ".

Anh Đỗ Minh (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ: "Cánh cổng thiết kế mái vòm cao và cánh cửa sắt nhiều họa tiết toát lên vẻ sang trọng. Những hoa văn mang phong cách châu Âu xen lẫn Á Đông độc đáo. Các sắp đặt, chiếu sáng rất đẹp, hấp dẫn".

Điểm đến lý tưởng cho những người yêu di sản, nghệ thuật và sáng tạo- Ảnh 4.

Tổ hợp nghệ thuật “Cảm thức Đông Dương” tại tòa nhà Đại học Tổng hợp cũ. Ảnh: VGP/Diệu Anh

Theo họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, Giảng viên nghệ thuật thị giác, Trường Khoa học liên ngành và nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội, tòa nhà này nhìn thì tưởng là tòa nhà tân cổ điển của Pháp, nhưng nhìn kỹ thì họa tiết, chi tiết trang trí đều từ mỹ thuật truyền thống Việt Nam. Từ đài Sen, dây Sen, chữ Vạn, bát bửu... đều là câu chuyện gắn chặt với mỹ thuật truyền thống Việt Nam. Có thể nói đây là điều đáng để tìm hiểu, mỹ thuật Đông Dương được lồng ghép với câu chuyện của văn hóa, khoa học châu Âu. Triển lãm đã tôn vinh kiến trúc này như là một tác phẩm nghệ thuật.

Điểm nhấn đặc biệt của tòa nhà Đại học Tổng hợp cũ là tổ hợp triển lãm nghệ thuật tương tác mang tên "Cảm thức Đông Dương," với 22 tác phẩm nghệ thuật sắp đặt và trình diễn ánh sáng. Đây là một tổ hợp khổng lồ tập hợp những sáng tạo của các nghệ sĩ, nhà thiết kế.

Các nghệ sĩ sử dụng nhiều công nghệ sắp đặt hiện đại để "kể" những nét đẹp của quá khứ, giúp công chúng cảm nhận đa chiều, đa giác quan về nghệ thuật, kiến trúc Đông Dương. Triển lãm tái hiện những cảm thức xưa cũ của nghệ thuật Đông Dương, thông qua các tác phẩm nghệ thuật đa dạng kết hợp âm thanh, hình ảnh và ánh sáng.

Điểm đến lý tưởng cho những người yêu di sản, nghệ thuật và sáng tạo- Ảnh 5.

Khu vực trưng bày với chủ đề "Rồng rắn lên mây" ở ngoài khuôn viên Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam. Ảnh: VGP/Diệu Anh

Ngoài Trường Đại học Tổng hợp cũ, tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam cũng đã diễn ra nhiều hoạt động thú vị, trong đó có trình diễn thời trang "Nhị thập cửu" và buổi nói chuyện "Sử dụng chất liệu văn hoá dân gian trong sáng tạo".

Bên cạnh đó, khu vực trưng bày với chủ đề "Rồng rắn lên mây" ở ngoài trời, giới thiệu các mô hình Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam bằng nhiều chất liệu khác nhau như: Gỗ, gốm, sứ… thu hút đông khách trải nghiệm'.

Thời gian này, du khách cũng được thăm quan Tòa nhà Bắc Bộ Phủ- nơi từng là Dinh Thống sứ Bắc Kỳ rồi Phủ Khâm sai Bắc Kỳ, ghi dấu cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền đầu tiên tại Hà Nội năm 1945, Giải phóng Thủ đô năm 1954 được biến hóa thành một không gian sáng tạo đặc biệt. Không gian kiến trúc độc đáo này lần đầu mở cửa đón khách thăm quan trong thời gian diễn ra Lễ hội.

Điểm đến lý tưởng cho những người yêu di sản, nghệ thuật và sáng tạo- Ảnh 6.

Nhiều em nhỏ tham gia các hoạt động tại Cung Thiếu nhi Hà Nội. Ảnh: VGP/Diệu Anh

Nơi lưu giữ "Hoài niệm cho tương lai"

Trong khuôn khổ Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024, Cung Thiếu nhi Hà Nội là nơi được chọn để tổ chức các hoạt động chính và được xem là "trái tim" của Lễ hội.

Tại Cung Thiếu nhi Hà Nội, có gần 50 hoạt động trong một đại triển lãm mang tên "Hoài niệm cho tương lai" với sự góp sức của các nghệ sỹ, nhà thiết kế, giám tuyển tài năng. Các nghệ sỹ đã khéo léo khoác lên cung một "tấm áo mới" tương tác đồng điệu với bối cảnh, có tính đối thoại với từng không gian và ký ức của Cung Thiếu nhi.

Hoạt động diễn ra tại Cung Thiếu nhi Hà Nội được phân bổ làm ba mạch nhánh: "Cung Thiếu nhi như một bài tập nhớ," "Di sản liên thế hệ" và "Kiến tạo thế giới và sân chơi" bao gồm các hoạt động như sắp đặt, sáng tạo, công trình biểu tượng, triển lãm, chiếu phim, biểu diễn nghệ thuật đặc sắc.

Điểm đến lý tưởng cho những người yêu di sản, nghệ thuật và sáng tạo- Ảnh 7.

Nhiều hoạt động sáng tạo cũng thu hút người dân tham gia, đặc biệt là các bạn trẻ. Ảnh: VGP/Diệu Anh

Với ba mạch nhánh này, triển lãm không chỉ lấy Cung Thiếu nhi làm nền mà còn là "cộng sự" cho hoạt động và các tác phẩm để từ đó có sự kế thừa, kết nối quá khứ, hiện tại, gợi mở sự phát triển trong tương lai của các loại hình nghệ thuật sáng tạo, hay chính tương lai của cung.

Khai mạc Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 sẽ diễn ra từ 9-17/11Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024: Nơi hội tụ của 12 ngành công nghiệp văn hóa

Chị Vân Đỗ, Giám tuyển triển lãm "Hoài niệm cho tương lai" cho biết: "Chúng tôi mong được đóng góp vào một không gian lịch sử quan trọng với ký ức của thành phố Hà Nội bằng những góc nhìn, những tác phẩm nghệ thuật ý nghĩa và độc đáo, muốn chia sẻ đến với nhiều người. Hơn nữa, chúng tôi muốn được tham gia đóng góp ý kiến vào việc bảo tồn, tiếp nối những di sản như thế nào để giữ gìn được giá trị cần được lưu giữ cho tương lai".

Trong những hoạt động chính của "Giao lộ sáng tạo" không thể không nói đến các tọa đàm, hội thảo đáng chú ý như: Trí tuệ nhân tạo và thiết kế kiến trúc; Cu Li không bao giờ khóc: Nghĩ về thành phố như một nhân vật điện ảnh; Ký ức nhân văn và trí tuệ nhân tạo - Vai trò công nghệ với bảo tồn di sản; Truyền thống nhìn từ góc nhìn kiến trúc đương đại; Di sản kiến trúc trong thành phố sáng tạo...

Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 mang tên "Giao lộ sáng tạo" diễn ra từ 9-17/11. Tất cả các hoạt động Lễ hội đều hướng tới cộng đồng và mở cửa cho tất cả mọi người. Có đến 35 triển lãm và trưng bày; 21 hoạt động cộng đồng; 19 hoạt động trình diễn, biểu diễn và hội chợ được tổ chức trên tuyến.

Hơn 100 hoạt động diễn ra trong suốt thời gian lễ hội, hơn 1.000 tác phẩm sáng tạo cùng sự góp sức của trên 500 người thực hành thiết kế sáng tạo, các chuyên gia, đội ngũ hỗ trợ, và sự hưởng ứng của các không gian sáng tạo, hoạt động sáng tạo trải rộng khắp các quận, huyện, thị xã của Hà Nội đã làm nên một "bữa tiệc" nhiều màu sắc cho Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024 mang tên "Giao lộ Sáng tạo".

Diệu Anh

Link nội dung: https://nhipsongsaigon.net/diem-den-ly-tuong-cho-nhung-nguoi-yeu-di-san-nghe-thuat-va-sang-tao-a112351.html