Quy định tách, hợp thửa đất của Khánh Hòa làm khó, không phù hợp

Nội dung trong quy định mới về các trường hợp không được phép tách, hợp thửa đất của tỉnh Khánh Hòa chưa hợp lý, làm hạn chế quyền của người sử dụng đất và không phù hợp với Luật Đất đai năm 2024.

Đất thông báo thu hồi đất không được tách thửa

UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành quy định cụ thể về điều kiện, kích thước và diện tích tối thiểu tách, hợp thửa đất đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh có hiệu lực ngày 10/11/2024.

Quy định tách, hợp thửa đất của Khánh Hòa làm khó, không phù hợp- Ảnh 1.

Từ 10/11, tỉnh Khánh Hòa áp dụng quy định mới về điều kiện, kích thước và diện tích tối thiểu tách, hợp thửa đất. Ảnh: Lương Sơn

Theo đó, UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu: Không được tách thửa, hợp thửa đối với thửa đất thuộc khu vực đã có thông báo thu hồi đất hoặc quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; trừ trường hợp đã quá 3 năm kể từ thời điểm có các thông báo, quyết định mà không thực hiện.

Tuy nhiên, luật sư Nguyễn Hồng Hà - Văn phòng luật sư Nguyễn Hồng Hà (Đoàn luật sư tỉnh Khánh Hòa), cho biết: Theo quy định tại khoản 5, Điều 85, Luật Đất đai 2024 quy định hiệu lực của thông báo thu hồi đất là 12 tháng tính từ ngày ban hành thông báo thu hồi đất.

"Vậy quy định này của tỉnh Khánh Hòa có hạn chế quyền của người sử dụng đất, có phù hợp với luật đất đai năm 2024 hay không? Vì luật quy định thông báo chỉ có hiệu lực 12 tháng, đây là quy định mới nhằm đảm bảo quyền của người sử dụng đất. Trong khi đó, quyết định của UBND tỉnh lại quy định tới 3 năm. Như vậy sẽ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người sử dụng đất", luật sư Hà phân tích.

Ông Vũ Chí Hiếu - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Khánh Hòa, cho hay: Khi thông báo thu hồi đất hết hiệu lực 12 tháng thì cơ quan chức năng sẽ có một thông báo điều chỉnh gia hạn thêm trong vòng 1 năm tiếp theo và thông báo gia hạn này không được quá 3 năm. Sau 3 năm kể từ thời điểm có các thông báo, quyết định mà không thực hiện thu hồi đất thì người dân được thực hiện các quyền của người sử dụng đất như tách thửa, hợp thửa hoặc làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Ông Hiếu cũng cho biết sẽ ghi nhận nội dung phản ánh trên để tránh trường hợp người dân bị hiểu nhầm. Mặt khác, trong quyết định của UBND tỉnh Khánh Hòa đã có yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Những trường hợp nào không được tách, hợp thửa đất?

Theo quyết định nói trên, UBND tỉnh Khánh Hòa còn yêu cầu việc tách thửa đất, hợp thửa đất phải bảo đảm các nguyên tắc, điều kiện theo quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 220 luật Đất đai. Không thực hiện việc tách thửa đất, hợp thửa đất được áp dụng với các trường hợp: Diện tích đất được xác định trong kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thu hồi để thực hiện dự án theo quy định tại Điều 78, Điều 79 luật Đất đai.

Sau 2 năm liên tục diện tích đất được xác định trong kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện chưa có quyết định thu hồi đất mà cơ quan có thẩm quyền phê duyệt không điều chỉnh, hủy bỏ hoặc có điều chỉnh, hủy bỏ nhưng không công bố việc điều chỉnh, hủy bỏ đối với phần diện tích phải thu hồi trong kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện thì người sử dụng đất được tiếp tục thực hiện các quyền của người sử dụng đất. Thửa đất thuộc khu vực bảo tồn, khu di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định, phê duyệt theo quy định pháp luật.

Quy định tách, hợp thửa đất của Khánh Hòa làm khó, không phù hợp- Ảnh 2.

Việc tách, hợp thửa phải đảm bảo kích thước, diện tích tối thiểu theo quy định. Đối với đất ở đô thị: Thửa đất tiếp giáp với đường giao thông có bề rộng chỉ giới đường đỏ (quy hoạch) từ 19m trở lên thì diện tích tối thiểu được tách thửa phải từ 45m2 trở lên và chiều rộng mặt tiền, chiều sâu thửa đất phải từ 5m trở lên.

Còn thửa đất tiếp giáp với đường giao thông có bề rộng chỉ giới đường đỏ (quy hoạch) từ 10m đến dưới 19m thì diện tích tối thiểu được tách thửa phải từ 36 m2 trở lên và chiều rộng mặt tiền, chiều sâu thửa đất phải từ 4m trở lên. Thửa đất tiếp giáp với đường giao thông có bề rộng chỉ giới đường đỏ (quy hoạch) dưới 10m thì diện tích tối thiểu được tách thửa phải từ 36m2 trở lên và chiều rộng mặt tiền, chiều sâu thửa đất phải từ 3m trở lên.

Đối với đất ở nông thôn: Thửa đất tiếp giáp quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường xã thì diện tích tối thiểu được tách thửa phải từ 50m2 trở lên và chiều rộng mặt tiền, chiều sâu thửa đất phải từ 5m trở lên. Thửa đất tại khu vực các đảo thì diện tích tối thiếu được tách thửa phải từ 50m2 trở lên và chiều rộng mặt tiền, chiều sâu thửa đất phải từ 5m trở lên. Thửa đất tại các khu vực khác còn lại ở nông thôn, điều kiện để được tách thửa đất ở phải có diện tích tối thiểu từ 60m2 cùng các bề rộng, sâu cũng đều phải từ 5m trở lên.

Link nội dung: https://nhipsongsaigon.net/quy-dinh-tach-hop-thua-dat-cua-khanh-hoa-lam-kho-khong-phu-hop-a111914.html