Phát biểu tại hội thảo, ông Văn Bá Sơn, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Quảng Nam cho biết, đa dạng sinh học có ý nghĩa rất quan trọng vì môi trường lành mạnh là yếu tố then chốt đối với sức cạnh tranh của ngành du lịch. Bờ biển, núi, sông và rừng là những điểm thu hút chính đối với khách du lịch trên toàn thế giới. Du lịch kết nối con người với thiên nhiên, có thể thúc đẩy trách nhiệm bảo tồn và bảo vệ môi trường nếu được thực hiện một cách bền vững.
"Có thể thấy, hoạt động du lịch, một mặt sẽ góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng; mặt khác cũng là yếu tố làm thay đổi bản sắc văn hóa và lối sống truyền thống của cộng đồng, đồng thời có không ít tác động tiêu cực tới môi trường sinh thái. Sự phát triển nhanh chóng của du lịch ở một số khu vực, tình trạng quá tải điểm đến như ở Cẩm Thanh, hay Cù lao Chàm… đã tác động tiêu cực đến các hệ sinh thái tự nhiên, vượt quá sức chịu tải của môi trường", ông Văn Bá Sơn cho biết.
Để phát triển bền vững ngành du lịch địa phương, tỉnh Quảng Nam đã ban hành nhiều nghị quyết về chủ trương phát triển du lịch quan trọng, với quan điểm "bảo tồn để phát triển, phát triển để bảo tồn" và xây dựng Bộ Tiêu chí du lịch xanh.
"Từ những nỗ lực cải thiện môi trường du lịch theo hướng bền vững, đến nay, ngành du lịch Quảng Nam đã bước đầu xây dựng được thương hiệu, hình ảnh "Quảng Nam-Điểm đến du lịch xanh". Hình ảnh được nhiều tổ chức trong và ngoài nước đánh giá cao, nhiều địa phương trong nước đến tham quan, học tập, chia sẻ kinh nghiệm", ông Sơn chia sẻ.
Kết hợp bảo tồn và du lịch
Bà Lê Thủy Trinh, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam cho biết, là tỉnh đa dạng về địa hình, sinh cảnh đã tạo ra cho Quảng Nam có tính đa dạng sinh học rất cao, nằm trong vùng cảnh quan ưu tiên Trung Trường Sơn, là một trong 200 "điểm nóng" về đa dạng sinh học của thế giới, là nơi sinh sống của nhiều loài quý hiếm, đặc hữu như: Sao la, Voọc chà vá chân nâu, Voọc chà vá chân xám, mang Trường Sơn…
Theo các kết quả điều tra nghiên cứu đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam ghi nhận tổng số 4.195 loài động, thực vật thuộc 677 họ, bao gồm 2.012 loài thực vật và 2.183 loài động vật. Quảng Nam cũng là địa phương tiên phong trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học. Đây là những tiền đề quan trọng để phát triển du lịch gắn với bảo tồn đa dạng sinh học.
Chia sẻ kinh nghiệm phát triển du lịch gắn với bảo tồn, TS. Nguyễn Xuân Hải, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, du lịch bền vững giúp khai thác nguồn tài nguyên một cách khoa học, qua đó cung cấp những lợi ích kinh tế-xã hội, dịch vụ cho cộng đồng địa phương, góp phần cải thiện sinh kế, nâng cao thu nhập cho cộng đồng là cách tiếp cận hài hòa và bền vững giữa con người với thiên nhiên.
Hiện các vườn quốc gia và khu dự trữ sinh quyển trên thế giới, như Vườn Quốc gia Cúc Phương, Torres del Paine hay Khu bảo tồn nhiệt đới Taman Negara, đều đã thành công nhờ mô hình du lịch sinh thái kết hợp chặt chẽ với bảo tồn. Do đó Quảng Nam cần áp dụng chiến lược phát triển du lịch không chỉ chú trọng vào tăng trưởng kinh tế mà còn bảo vệ hệ sinh thái, đa dạng sinh học. Đồng thời, các hoạt động du lịch phải được kiểm soát để tránh gây tổn hại đến môi trường tự nhiên.
Để làm được thành công Quảng Nam cần đầu tư vào chiến lược quảng bá gắn với thông điệp bảo tồn, khai thác các kênh truyền thông số và mạng xã hội để thu hút du khách quốc tế quan tâm đến du lịch xanh và bảo vệ môi trường; phát triển hạ tầng du lịch thân thiện môi trường, sử dụng năng lượng tái tạo, tiết kiệm tài nguyên.
Và hơn hết là chú trọng các giải pháp lồng ghép bảo tồn đa dạng sinh học, chuyển đổi sinh kế và du lịch bền vững đối với phát triển kinh tế-xã hội. Huy động sự tham gia của cộng đồng vào các hoạt động bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học, phát triển các mô hình du lịch sinh thái, du lịch bền vững dựa vào thiên nhiên…
Lưu Hương
Link nội dung: https://nhipsongsaigon.net/quang-nam-phat-trien-du-lich-gan-voi-bao-ton-da-dang-sinh-hoc-a110860.html