Biển báo chỉ dẫn lối đến đường dẫn khí đốt Nord Stream 2 ở Lubmin, Đức. (Nguồn: Reuters) |
Sau thời gian im lặng lạ thường, những ngày gần đây - đánh dấu mốc tròn 2 năm "ngủ yên", Vụ nổ đường ống Nord Stream (dòng chảy phương Bắc) lại được “hâm nóng” trên truyền thông quốc tế, với những tình tiết mới.
Mỹ, Anh có liên quan?
Ngày 9/10, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova bất ngờ công bố, Moscow có bằng chứng về sự tham gia của Mỹ và Anh trong vụ nổ đường ống Nord Stream năm 2022.
Tin liên quan |
Căng thẳng EU-Trung Quốc: Bắc Kinh đi nước cờ cản, nhưng thực ra châu Âu đã thua trước một ván? |
Nhấn mạnh rằng, Moscow đã nhiều lần đề nghị hợp tác với các bên liên quan trong cuộc điều tra nhưng không nhận được phản hồi. Vì vậy, “Nga sẽ công bố bằng chứng dựa trên những gì thực tế nhất và theo sát diễn biến tình hình xung quanh cuộc điều tra về vụ việc”, Người phát ngôn Zakharova lưu ý.
Trước đó, người đứng đầu Cơ quan tình báo đối ngoại Nga Sergei Naryshkin đã khẳng định, Mỹ và Anh có liên quan trực tiếp đến vụ nổ Nord Stream.
Tháng 9/2022, ba trong bốn nhánh của hai đường ống Nord Stream (1 và 2) vận chuyển khí đốt tự nhiên từ Nga đến châu Âu đã bị vỡ trong một loạt vụ nổ bên dưới Biển Baltic gần Thụy Điển và Đan Mạch. Kể từ đó, các đường ống dẫn khí quan trọng này không còn hoạt động được. Thụy Điển, Đan Mạch và Đức đã gọi vụ việc là hành động phá hoại có chủ ý.
Các cuộc điều tra độc lập sau đó, do Đức, Đan Mạch và Thụy Điển khởi xướng đã loại trừ Nga khỏi danh sách thủ phạm, nhưng không đưa ra kết quả cụ thể nào. Năm 2024, trừ Đức, cả Thụy Điển và Đan Mạch đều tuyên bố kết thúc cuộc điều tra về vụ nổ đường ống Nord Stream.
Trong diễn biến đó, bổ sung thêm tình tiết mới liên quan nghi vấn thủ phạm phá hoại Nord Stream, tờ Politiken của Đan Mạch xuất bản vào ngày 26/9 và được người dùng mạng xã hội X đăng tải vào ngày 7/10 thông tin, các tàu chiến Mỹ đã hoạt động ở khu vực phía Đông đảo Bornholm (Đan Mạch) vài ngày trước vụ nổ với thiết bị liên lạc phát-đáp bị tắt.
Cho rằng tàu gặp nạn, một người quản lý ở cảng Christiano (Đan Mạch) gần đó, ông John Anker Nielsen và các đồng nghiệp đã triển khai nhiệm vụ cứu hộ. Tuy nhiên, khi đến hiện trường, họ thấy tàu của Hải quân Mỹ.
Chia sẻ với Politiken, ông Nielsen cho biết, không tin vào tuyên bố của phương tiện truyền thông phương Tây đưa tin của tình báo Mỹ rằng - vụ Nord Stream bị phá hoại có liên quan Kiev – rằng một nhóm nhỏ người Ukraine được cho là sử dụng du thuyền Andromeda để thực hiện cuộc tấn công dưới biển sâu.
Nhưng ông Anker Nielsen tin vào nội dung liên quan do nhà báo Mỹ nổi tiếng, từng đoạt giải Pulitzer danh giá - Seymour Hersh cung cấp, bài viết từng gây chấn động vào đầu tháng 2/2023 - khẳng định Mỹ đã có ý định phá hoại Nord Stream từ cuối năm 2021. Theo thông tin từ nhà báo này, chất nổ được kích nổ vào ngày 26/9/2022 đã được thợ lặn Hải quân Mỹ cài vào đường ống Nord Stream từ tháng 6/2022 dưới vỏ bọc của cuộc tập trận NATO có tên là Baltops 22.
Nhà Trắng ngay sau đó đã phủ nhận cáo buộc, gọi đó là thông tin "hoàn toàn sai sự thật và hư cấu".
Khi đó, Tổng thống Putin và các quan chức cấp cao Nga đã cáo buộc Washington là thủ phạm có thể đứng sau vụ nổ Nord Stream. Moscow cho rằng, Mỹ có đủ phương tiện kỹ thuật nhất để thực hiện các vụ nổ này và cũng sẽ là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất.
Liên hợp quốc vào cuộc?
Ngày 4/10, thông cáo báo chí của Liên hợp quốc (LHQ) cho biết, tại cuộc họp của Hội đồng Bảo an về vụ phá hoại đường ống Nord Stream, nhiều diễn giả lên án các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng quan trọng, nhấn mạnh nhu cầu giải trình.
“Stockholm và Copenhagen đã nêu rõ điều hiển nhiên — rằng các đường ống dẫn khí đã bị nổ tung” và “không thể tiếp tục các thủ tục tố tụng hình sự trong phạm vi quyền hạn của quốc gia họ”, đại diện của Liên bang Nga cho biết, đồng thời nhắc đến các cuộc điều tra do Thụy Điển và Đan Mạch đã tuyên bố hoàn tất vào tháng 2/2024 nhưng không công bố kết quả cụ thể nào.
Đại diện của Nga tại LHQ bày tỏ sự thất vọng và cho biết, các yêu cầu hỗ trợ pháp lý của Moscow, với tư cách là bên bị hại, đã được gửi đến cả ba quốc gia điều tra độc lập, đều đã bị bỏ qua. Tình trạng tương tự như vậy đối với mọi nỗ lực của Moscow, nhằm đạt được thỏa thuận của Hội đồng, kêu gọi Đức minh bạch và đẩy nhanh cuộc điều tra "luôn bị Mỹ và các đồng minh chặn lại".
Đại diện Nga tại LHQ tiếp tục chỉ trích "những động thái gian cản trở" công việc của Hội đồng từ các "đồng nghiệp" phương Tây. Và khẳng định, Liên bang Nga sẽ không nản lòng trong việc xác định sự thật, xác định ai chịu trách nhiệm cho các vụ nổ và trừng phạt họ.
Trong khi đó, người phát ngôn của Mỹ phản đối cáo buộc của Liên bang Nga, rằng Washington có liên quan, nhấn mạnh: "Không có bằng chứng nào về sự liên quan của Mỹ và sẽ không bao giờ có, vì Mỹ không liên quan".
Đại diện của Vương quốc Anh nhấn mạnh, cách tốt nhất để có được câu trả lời là ủng hộ cuộc điều tra quốc gia đang diễn ra của Đức. Hội đồng nên tập trung nỗ lực vào việc hỗ trợ quá trình này thay vì tham gia vào những suy đoán vô ích.
Kêu gọi một cuộc điều tra minh bạch và có kết luận rõ ràng, Đại biểu Mozambique, lưu ý tiến độ của hồ sơ Vụ nổ đường ống Nord Stream "giống như các cuộc điều tra khác", vẫn phần lớn bị đình trệ trong hai năm qua. Ông bày tỏ lo ngại về cách các khu vực pháp lý quốc gia xử lý vấn đề này, cũng như báo cáo về việc thiếu sự phối hợp và chia sẻ thông tin. Do đó, có "suy đoán rằng, cuộc điều tra đang bị kéo dài một cách cố ý và nguy cơ leo thang căng thẳng nếu danh tính của thủ phạm bị tiết lộ".
Đại diện Trung Quốc lặp lại quan điểm trên và kêu gọi các quốc gia liên quan tích cực giao tiếp và hợp tác với Liên bang Nga, đồng thời tránh chính trị hóa cuộc điều tra.
Phía Trung Quốc nhận định, dự thảo tuyên bố do phái đoàn Nga đề xuất về vụ nổ đường ống Nord Stream "nói chung là cân bằng" và phản ánh mối quan tâm của tất cả các bên, đồng thời bày tỏ hy vọng các bên liên quan tăng cường tham vấn để đạt được kết quả càng sớm càng tốt. Bắc Kinh cũng kêu gọi Hội đồng bảo an LHQ tiếp tục chú ý đến vấn đề này và không để nó "biến mất".