COP29 đang diễn ra tại thành phố Baku của Azerbaijan. (Nguồn: COP 29) |
Đây là diễn biến mới nhất tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) đang diễn ra tại Azerbaijan, sau khi các nước đang phát triển từ chối đề nghị ban đầu, trị giá 250 tỷ USD từ các nước giàu, để giúp họ ứng phó với tình trạng nóng lên toàn cầu.
Reuters dẫn các nguồn tin cho biết, tại các cuộc thảo luận kín sáng ngày 23/11, EU đã đồng ý rằng họ có thể chấp nhận con số cao hơn. Hai nguồn tin tiết lộ Mỹ, Australia và Anh cũng nhất trí gia tăng các khoản đóng góp.
Nước Chủ tịch COP29, Azerbaijan, cho biết các cuộc đàm phán kéo dài "suốt đêm" 22/11, tại thành phố Baku bên bờ biển Caspi, với nỗ lực đưa ra được một văn bản cuối cùng.
Azerbaijan kêu gọi các quốc gia tiếp tục nỗ lực, nhưng đồng thời thừa nhận con số 250 tỷ USD là chưa đủ "công bằng hoặc tham vọng".
Ông Ali Mohamed, Chủ tịch của Nhóm đàm phán châu Phi nhấn mạnh, mức tài trợ "250 tỷ USD sẽ dẫn đến sự mất mát sinh mạng không thể chấp nhận được ở châu Phi và trên toàn thế giới, đồng thời gây nguy hiểm cho tương lai của thế giới chúng ta”.
Một nhóm gồm 134 quốc gia đang phát triển, bao gồm cả Trung Quốc, đã yêu cầu khoản đóng góp ít nhất 500 tỷ USD mỗi năm dành cho việc xây dựng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính.
Đức cho biết các chính phủ không thể đáp ứng toàn bộ chi phí này một mình và việc tái cấu trúc nợ cùng các công cụ tài chính khác sẽ cần phải được tính đến.
Bản dự thảo văn kiện COP29 đặt ra một mục tiêu tổng thể đầy tham vọng là huy động ít nhất 1.300 tỷ USD mỗi năm từ năm 2035, không chỉ từ các nước phát triển mà còn từ khu vực tư nhân. Theo các nhà kinh tế được Liên hợp quốc ủy quyền để đánh giá nhu cầu, các nước đang phát triển, không bao gồm Trung Quốc, sẽ cần 1.000 tỷ USD mỗi năm từ sự trợ giúp bên ngoài vào năm 2030.
Ngoài EU, các quốc gia đóng góp sẽ bao gồm Australia, Mỹ, Anh, Nhật Bản, Na Uy, Canada, New Zealand và Thụy Sỹ.
Các cuộc đàm phán về khí hậu hàng năm do Liên hợp quốc dẫn đầu diễn ra vào thời điểm năm 2024 được cho là năm nóng nhất trong lịch sử, trong bối cảnh thiên tai hoành hành trên khắp thế giới.
Kể từ khi COP29 bắt đầu vào ngày 11/11, những cơn bão khắc nghiệt đã tàn phá Philippines và Honduras, trong khi Ecuador đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia do hạn hán và cháy rừng, còn Tây Ban Nha đang “loay hoay” sau trận lụt lịch sử.
Các đại biểu tham dự COP29 tại thành phố Baku của Azerbaijan đang chờ dự thảo mới về một thỏa thuận tài chính khí hậu toàn cầu sẽ được nước chủ nhà công bố trong những giờ tới.