xuân

Chuyển đổi số - động lực thúc đẩy sự chuyển mình của nền kinh tế châu Phi

Đổi mới sáng tạo kỹ thuật số và các công cụ sẽ giúp 600 triệu thanh niên châu Phi tham gia vào nền kinh tế số và thúc đẩy quá trình hội nhập khu vực.

Chuyển đổi số - Động lực thúc đẩy sự chuyển mình của nền kinh tế châu Phi
Thủ tướng Rwanda Edouard Ngirente phát biểu tại Diễn đàn Phát triển thương mại 2024. (Nguồn: Văn phòng Thủ tướng Rwanda)

Diễn đàn Phát triển thương mại 2024 diễn ra tại thủ đô Kigali (Rwanda), đã quy tụ hàng trăm đại biểu, gồm các nhà lãnh đạo, chuyên gia và đại diện từ nhiều quốc gia, nhằm kêu gọi thúc đẩy đổi mới sáng tạo kỹ thuật số như một công cụ quan trọng để mở rộng tiềm năng thương mại và kinh doanh của châu Phi.

Sự kiện, do chính phủ Rwanda phối hợp triển khai cùng TradeMark Africa (TMA) - tổ chức hỗ trợ thương mại quốc tế, với mục tiêu gia tăng thịnh vượng cho lục địa thông qua các sáng kiến thương mại hiện đại.

Với chủ đề “Khám phá tiềm năng thương mại của châu Phi thông qua đổi mới sáng tạo kỹ thuật số”, diễn đàn tập trung vào vai trò then chốt của công nghệ số trong việc vượt qua các rào cản thương mại, thúc đẩy kết nối và tạo ra một nền kinh tế bao trùm cho toàn bộ châu lục.

Trong phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Rwanda Prudence Sebahizi nhấn mạnh tầm quan trọng của công nghệ trong việc phát triển thương mại, kết nối các quốc gia và doanh nghiệp, đồng thời hỗ trợ sự phát triển bền vững.

Ông chia sẻ: “Chủ đề năm nay phản ánh khát vọng xây dựng một châu Phi kết nối kỹ thuật số và bao trùm về mặt kinh tế. Chúng ta đang đứng trước ngưỡng cửa của những cơ hội chưa từng có trong khuôn khổ Khu vực Thương mại tự do châu Phi (AfCFTA), và công nghệ chính là động lực thúc đẩy sự chuyển mình này”.

Nhấn mạnh những thành tựu đáng kể của Rwanda trong việc áp dụng công nghệ vào thương mại, nổi bật là Hệ thống Cửa sổ đơn điện tử, giúp giảm thời gian và chi phí giao dịch thương mại, Bộ trưởng Sebahizi nói: “Công nghệ không chỉ giúp nâng cao hiệu quả, mà còn giảm thiểu chi phí và mở rộng khả năng tiếp cận thị trường cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs)”.

Ông khẳng định, Rwanda tự hào đứng đầu trong các nỗ lực này và xem AfCFTA như một yếu tố xúc tác cho sự hội nhập sâu rộng và một không gian kinh tế thống nhất trên toàn châu lục.

Trong khi đó, Tổng thư ký, Ban thư ký AfCFTA Wamkele Mene khẳng định tầm quan trọng của Hiệp định AfCFTA về Thương mại kỹ thuật số, coi đây là một khuôn khổ pháp lý không thể thiếu để xây dựng một thị trường kỹ thuật số chung cho toàn châu Phi.

Ông Mene cho biết: “Những thách thức mà châu Phi đang đối mặt chính là những cơ hội lớn. Tôi tin rằng đổi mới sáng tạo kỹ thuật số và các công cụ chúng ta triển khai hôm nay sẽ giúp 600 triệu thanh niên châu Phi tham gia vào nền kinh tế số và thúc đẩy quá trình hội nhập khu vực”.

Về phần mình, Chủ tịch Hội đồng TMA Hailemariam Desalegn kêu gọi tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng, phát triển kỹ năng và xây dựng khung chính sách phù hợp để duy trì đà phát triển này.

Ông Desalegn nhấn mạnh: “Trong nhiều thế hệ, châu Phi được coi là vùng đất giàu tài nguyên nhưng phụ thuộc vào công nghệ và hàng hóa chế biến từ bên ngoài. Đã đến lúc thay đổi câu chuyện đó. Những đổi mới số đang tái cấu trúc cách thức chúng ta làm kinh doanh, kết nối và thể hiện mình trên trường quốc tế”.

Cũng tại diễn đàn, Giám đốc Điều hành TMA David Beer đã chia sẻ về những thành công của các giải pháp kỹ thuật số trong việc đơn giản hóa quy trình thương mại ở khu vực Đông Phi và xa hơn nữa.

Ông khẳng định: “Trong suốt thập niên qua, chúng ta đã chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ của các giải pháp kỹ thuật số trong quy trình thương mại, giúp các hành lang thương mại số hoạt động hiệu quả và biến những điều tưởng như không thể thành hiện thực”.

Thủ tướng Rwanda Edouard Ngirente cho rằng, diễn đàn này đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quá trình triển khai AfCFTA và Hiệp định Thương mại kỹ thuật số, mở ra một kỷ nguyên mới trong sự hội nhập khu vực.

Ông khẳng định: “Việc triển khai AfCFTA và Hiệp định Thương mại kỹ thuật số là một bước ngoặt quan trọng, giúp tăng cường kết nối, giảm rào cản và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đầu tư vào khả năng kỹ thuật số và công nghệ của châu Phi không phải là sự lựa chọn mà là điều bắt buộc”.

Chỉ ra rằng việc cải thiện kết nối kỹ thuật số có thể giúp giảm chi phí thương mại lên đến 25%, nhà lãnh đạo nhấn mạnh: “Để đạt được tầm nhìn này, chúng ta cần đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng năng lượng và kỹ thuật số, hệ thống thanh toán điện tử xuyên biên giới, cũng như cải thiện các hệ thống hải quan và logistics. Đây là hành trình chuyển mình đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa khu vực công và tư”.

Diễn đàn Phát triển Thương mại 2024 diễn ra trong hai ngày 2-3/12, thu hút hơn 300 đại biểu từ các quốc gia tham gia TMA và các đối tác quốc tế, tạo cơ hội quý báu để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và gia tăng sự hội nhập kinh tế của châu Phi trong thời đại kỹ thuật số.

'); $('.hna-banner-inpage').insertAfter($('#divfirst')); })