xuân

Bước chuyển mình của cách mạng xanh

Dòng chảy vốn Môi trường, Xã hội và Quản trị (ESG) đang chững lại, có phải tín hiệu cảnh báo sớm cho xu hướng chuyển dịch xanh trên toàn cầu?

Bước chuyển mình của cách mạng xanh
Dù dòng vốn đang rút khỏi các quỹ ESG tổng thể, hạ tầng xanh và công nghệ sạch vẫn hút vốn. (Nguồn: iStock)

Trong suốt thập kỷ qua, ESG (tiêu chí môi trường, xã hội và quản trị) từng được xem là xu hướng đầu tư không thể đảo ngược, thúc đẩy cuộc cách mạng xanh trên toàn thế giới. Tuy nhiên, những tín hiệu mới nhất đang cho thấy dòng vốn vào các quỹ ESG chững lại, thậm chí sụt giảm - đặt ra những cảnh báo quan trọng trên con đường bảo vệ tính bền vững cho tiến trình chuyển đổi xanh toàn cầu.

Giai đoạn chọn lọc tất yếu

Theo báo cáo cập nhật quý I/2025 của Morningstar, các quỹ đầu tư ESG trên toàn cầu ghi nhận dòng vốn rút ròng lên tới 8,6 tỷ USD - mức giảm mạnh nhất kể từ khi xu hướng này bùng nổ. Đáng chú ý, riêng tại Mỹ, con số rút vốn lên đến 6,1 tỷ USD, đây cũng là quý thứ mười liên tiếp chứng kiến dòng tiền chảy ra. Trong khi tại châu Âu, lần đầu tiên kể từ năm 2018 ghi nhận hiện tượng rút vốn với 1,2 tỷ USD.

Đáng chú ý, nguyên nhân chính không chỉ nằm ở yếu tố kinh tế, như lãi suất cao, nhà đầu tư ưu tiên tài sản an toàn, mà còn liên quan mối nghi ngờ ngày càng lớn về tính minh bạch, hiệu quả thực sự của các sản phẩm ESG – trong đó, có nổi lên một số vụ ồn ào về hiện tượng greenwashing (xanh giả) và cả những nghi ngờ về hiệu suất thực sự của một số quỹ năng lượng sạch.

Ngoài ra, theo báo cáo trên, sự thay đổi trong chính sách ở Mỹ thời gian gần đây cũng phần nào tác động tới xu hướng xanh trên thế giới. Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump ký liền ba sắc lệnh (bao gồm rút khỏi hiệp định Paris, hủy mục tiêu xe điện và sửa đổi quy định khí thải, thúc đẩy khai thác dầu mỏ) ngay trong ngày đầu nhậm chức (20/1), được cho có thể ảnh hưởng lớn đến chuyển dịch xanh không chỉ ở nền kinh tế số một thế giới.

Giới phân tích đánh giá, tác động của chính sách ở Mỹ gần như chắc chắn làm chậm tốc độ chuyển đổi năng lượng sạch, khi phong trào đầu tư ESG vấp phải một số phản ứng chính trị. Bằng chứng là, một số bang đã áp lệnh hạn chế ESG trong đầu tư quỹ hưu trí công, một số tập đoàn tài chính lớn như BlackRock, State Street, Vanguard giảm quy mô các sản phẩm ESG. Tuy nhiên, vẫn có các bang như California, New York, New Mexico và các tập đoàn lớn khác tiếp tục giữ vững cam kết xanh hóa bằng các chính sách địa phương hay chiến lược kinh doanh dài hạn.

Trong khi đó, số liệu từ báo cáo của Morningstar cho thấy, ở các thị trường phát triển khác như Canada, Australia, New Zealand… ghi nhận dòng vốn dương (khoảng 300 triệu USD trong cùng kỳ). Tại châu Âu, các quỹ hưu trí và tổ chức đầu tư lớn vẫn duy trì cam kết mạnh mẽ với ESG dù làn sóng rút vốn có vẻ đang lấn lướt. Các quỹ People’s Pension (Anh), PME, PGGM (Hà Lan) hay AkademikerPension (Đan Mạch) tiếp tục kiên định, thậm chí rút khỏi hợp tác với một số đối tác lớn vì lo ngại họ không hành động quyết liệt trong các vấn đề môi trường.

Nhìn nhận về những “ngã rẽ” trong xu hướng ESG trên toàn cầu, giới phân tích đánh giá, dòng vốn ESG đang trải qua một giai đoạn thanh lọc chứ không phải chấm dứt trào lưu. Hay một tiêu chuẩn cao hơn đang buộc cả thị trường, nhà quản lý và doanh nghiệp phải nghiêm túc, minh bạch hơn, giành lại lòng tin bằng hiệu quả lâu dài chứ không chỉ là động thái “đu trend”.

Rút vốn - không phải kết thúc

Trong bối cảnh này, các thị trường mới nổi đang chịu áp lực kép khi vừa mất dòng vốn cho ESG, vừa mất đi cơ hội vì các dự án năng lượng sạch bị đẩy lùi. Theo JPMorgan, trong quý gần nhất, các nước đang phát triển - nơi đang trông đợi vào nguồn tài chính xanh để triển khai các dự án năng lượng tái tạo và chuyển đổi hạ tầng, chứng kiến khoảng 19 tỷ USD vốn rút ròng và thêm 10 tỷ USD dự kiến tiếp tục chảy ra trong quý sau, tạo ra nguy cơ gián đoạn đột ngột vốn cho chuyển đổi xanh. Điều này không chỉ làm giảm nguồn vốn tài trợ cho các dự án năng lượng sạch mà còn khiến một số dự án phải chuyển hướng sang năng lượng hóa thạch có lợi suất cao hơn.

Báo cáo của Zero Carbon Analytics mới đây chỉ ra rằng, nỗ lực đáp ứng các mục tiêu năng lượng sạch của Đông Nam Á đang cần tới 180 tỷ USD/năm. Vì thế, các quốc gia Đông Nam Á cần chuẩn bị tâm thế chủ động hơn, giảm phụ thuộc vào kỳ vọng dòng vốn ESG đơn thuần, đồng thời thúc đẩy hành lang pháp lý nội địa minh bạch hơn để thu hút dòng tiền dài hạn.

Vấn đề càng trở nên nghiêm trọng, khi chỉ khoảng 15% tổng vốn đầu tư năng lượng sạch toàn cầu hướng đến các nền kinh tế đang phát triển ngoài Trung Quốc, dù họ đang chiếm gần hai phần ba dân số và nhu cầu năng lượng ngày càng tăng. Chi phí vốn cao hơn đáng kể cũng là trở ngại chính, theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), các dự án năng lượng sạch tại thị trường mới nổi có thể phải chịu lãi suất cao gấp đôi khu vực phát triển.

Kết quả là, dù nhu cầu cải tổ năng lượng cấp thiết, nhưng nguồn tài chính xanh bị hạn chế, nhường chỗ cho các giải pháp hóa thạch lợi suất cao hơn, tạo ra “khoảng trống khử carbon” đáng lo ngại, làm chậm tiến trình đạt được “mục tiêu net Zero chung” toàn cầu.

Nghiên cứu các kinh nghiệm triển khai của EU, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, quy định pháp lý về ESG của EU rất đầy đủ và có tính bắt buộc. Trong vòng năm năm qua, EU đã ban hành khoảng 8.000 đạo luật, trong đó nhiều đạo luật liên quan bảo vệ môi trường và chỉ thị nhằm thúc đẩy tuân thủ ESG. Điều này cho thấy, dù điều gì đang xảy ra, châu Âu vẫn giữ vững lập trường, chống lại các áp lực chính trị nhằm làm suy yếu tính bền vững và minh bạch trong đầu tư ESG.

Trong khi đó, các số liệu mới nhất vẫn đang cho thấy, dù dòng vốn rút khỏi các quỹ ESG tổng thể, hạ tầng xanh và công nghệ sạch vẫn hút vốn. Các lĩnh vực cụ thể như hydrogen xanh, công nghệ lưu trữ điện, sản xuất pin lithium và lưới điện thông minh… vẫn đang nhận được sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư dài hạn.

Nếu châu Âu vẫn duy trì chính sách tín dụng xanh ưu đãi, tại châu Á, Hàn Quốc và Nhật Bản đều đặn tăng cường rót vốn cho các dự án năng lượng sạch quy mô lớn trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, Trung Quốc đang dẫn đầu đầu tư năng lượng sạch với mức chi lên tới gần một phần ba tổng đầu tư toàn cầu, theo báo cáo Đầu tư năng lượng thế giới thường niên của IEA. Ngoài ra, nền kinh tế thứ hai thế giới đang thu hút vốn lớn vào lĩnh vực xe điện và pin mặt trời, dù một phần trong đó xuất phát từ mục tiêu cạnh tranh xuất khẩu.

Từ thực tế cho thấy, sự sụt giảm vốn ESG hiện tại không có nghĩa là chấm dứt xu hướng đầu tư bền vững, mà là một giai đoạn thanh lọc tất yếu – đòi hỏi các quỹ, doanh nghiệp và cả các chính phủ phải chứng minh được tính minh bạch, hiệu quả và cam kết thật sự với mục tiêu môi trường - xã hội. Nếu vượt qua được giai đoạn “nghi ngờ và tái cấu trúc” này, ESG sẽ trở lại với định hướng rõ ràng, bền vững và thực chất hơn trong tương lai.

'); $('.hna-banner-inpage').insertAfter($('#divfirst')); })